1. Những địa danh đi cùng năm tháng: Chợ Bến Thành, Dinh Độc lập, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố... là những biểu tượng đi cùng lịch sử thăng trầm của Sài Gòn. Đây là những địa điểm khiến người dân Sài Gòn tự hào khi nhắc đến và là những điểm đến không thể bỏ qua của bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến Sài Gòn.
2. Người Sài Gòn cởi mở và tốt bụng: Ở Sài Gòn, bạn sẽ gặp những biển hiệu ấm áp tình người như bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật, bảng chỉ đường, cắt tóc miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Những thùng nước đá miễn phí đặt dọc những con đường nắng bụi cũng là hình ảnh tình cảm quen thuộc với người dân Sài Gòn. Khi chạy xe trên đường, đôi khi bạn sẽ nhận được những lời nhắc nhở dễ thương “Em ơi, gạt chân chống... Em ơi, kéo khóa cặp lại kìa”, những hành động tử tế mà hiếm khi bạn gặp ở những vùng đất khác.
3. Sài Gòn năng động: Sài Gòn là một thành phố năng động với môi trường sống hiện đại và là nơi dẫn đầu trong mọi xu hướng, trào lưu mới mẻ du nhập từ thế giới.
4. Cà phê bệt: Nếu Hà Nội nổi tiếng với “trà chanh chém gió” thì giới trẻ Sài Gòn tự hào có cà phê bệt ở công viên 30/4. Không chỉ là nơi uống cà phê, nơi đây là địa điểm tụ tập bạn bè lý tưởng, nơi bạn còn có thể hòa cùng các nhóm nghệ sĩ chơi guitar, trống, madolin, ngắm các cặp đôi đi chụp ảnh cưới xung quanh Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố...
5. Thiên đường cà phê: Không chỉ có cà phê bệt, Sài Gòn còn được mệnh danh là “thiên đường cà phê”, với hàng nghìn quán cà phê cùng đủ loại phong cách khác nhau, từ cà phê vỉa hè, cà phê hẻm, cà phê mang đi, cà phê sân vườn, cà phê chung cư, cà phê thú cưng... Nhiều quán phục vụ cà phê kiểu Tây như cappuccino và latte nhưng phổ biến nhất vẫn là món “cà phê sữa đá” gắn liền với hình ảnh Sài Gòn trong ca khúc “Sài Gòn cà phê sữa đá”.
6. Bánh mì Sài Gòn: Bánh mì kẹp thịt là món ăn vỉa hè quen thuộc của Việt Nam, từng xuất hiện nhiều lần trên các trang du lịch quốc tế và được bình chọn là một trong những thức ăn đường phố ngon nhất thế giới. Đặc biệt, Sài Gòn được xem là nơi khai sinh ra món bánh mì quen thuộc kiểu Việt, vốn được biến tấu từ món bánh mì Baguette của người Pháp ở những năm 1960, 1970. Kết hợp cùng các nguyên liệu thịt và rau xanh hợp lý, ổ bánh mì Sài Gòn đã trở thành món ăn bình dân quen thuộc trên mọi miền đất nước. Tuy nhiên, quả thực, không có nơi đâu bánh mì kẹp lại đa dạng về chủng loại và độc đáo về công thức như ở “quê mẹ” Sài Gòn:bánh mì patê, bánh mì chả cá, bánh mì ốp la, bánh mì bì, bánh mì xíu mại, bánh mì chảo...
7. Thiên đường ăn vặt: Sẽ là một sự lãng phí khủng khiếp nếu bạn đến Sài Gòn mà bạn không đi ăn vặt. Sài Gòn là thiên đường ăn vặt với hàng nghìn món ăn hấp dẫn, từ bánh tráng trộn, súp cua, gỏi khô bò, bánh bông lan trứng muối, trà sữa, chè khúc bạch, bột chiên... Sài Gòn có nhiều khu ăn vặt rải rác khắp thành phố, bạn có thể cùng bạn bè thưởng thức món cút chiên bơ ở đường Đồng Nai (quận 10), bắp xào ở công viên Gia Định, bạch tuộc nướng ở An Dương Vương, bánh tráng trộn ở Nguyễn Thượng Huyền, pizza Việt ở đường Cao Thắng.
8. Cơm tấm Sài Gòn: Cơm tấm Sài Gòn là món ăn no đã đi vào tiềm thức của bao nhiêu thế hệ người dân Sài Gòn, có lẽ người Sài Gòn ăn cơm tấm cũng nhiều như người Hà Nội ăn phở. Nhiều nơi không có thói quen ăn sáng bằng cơm, nhưng người Sài Gòn lại hoàn toàn khác. Từ các bạn học sinh cho đến nhân viên văn phòng, công nhân viên chức, ai cũng thích chọn món cơm tấm vào buổi sáng.
9. Hủ tiếu gõ: Hình ảnh cái xe hủ tiếu còi cọc đậu nơi hè phốvới một dáng vẻ khiêm nhường hết cỡ, đã trở thành một cái gì đó không thể thiếu trong những câu chuyện ăn uống Sài Gòn. Hủ tiếu gõ là món ăn cực rẻ, chuyên cứu đói cho sinh viên và những người công nhân có mức thu nhập thấp.
10. Ốc Sài Gòn: Hãy thêm ốc vào danh sách phải ăn khi đến Sài Gòn, tất cả là vì lợi ích của riêng bạn. Ốc Sài Gòn ngoài sự đa dạng về các chủng loại ốc còn có đủ cách chế biến như xào me, luộc, nướng mỡ hàng, hấp sả… khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn bất kỳ địa điểm biển có hải sản khác.
11. Nơi hội tụ ẩm thực Việt Nam: Ngoài những món ăn đặc trưng như cơm tấm, hủ tiếu gõ, bột chiên, ốc, Sài Gòn còn nơi là nơi hội tụ ẩm thực của mọi vùng miền. Từ những món ăn miền Bắc (bánh cuốn, bún đậu mắm tôm, bún chả, chả cá Lã Vọng...), món miền Trung (bánh bèo, bánh nậm, bánh căn, cơm hến, mì quảng...) món miền Tây (hủ tiếu Mỹ Tho, bún mắm, bánh xèo, bánh tằm...), nhiều món ăn của Pháp, Ý, Nhật, Hàn, Thái, Ấn Độ cũng xuất hiện ở đây. Không ngoa khi nói rằng bạn có thể thưởng thức mọi món ăn đặc sắc của Việt Nam mà không cần đi vòng quanh đất nước.
12. Những hàng cây xanh mướt: Những hàng cây cổ thụ hàng trăm tuổi gắn liền với nhiều thế hệ những người Sài Gòn và đã trở thành di sản văn hóa chẳng khác gì những địa danh nổi tiếng. Đó là những hàng cây dầu, xà cừ, sao... ở khắp các cung đường trong thành phố. Và nếu có một loài cây nào đó được chọn là biểu tượng cho Sài Gòn thì cây me có thể là một lựa chọn. Hình ảnh con đường có lá me bay đã đi vào những bài thơ, bài hát được các tác giả lấy cảm hứng từ những con đường đầy lá me ở Sài Gòn như đường Nguyễn Du, Phùng Khắc Khoan, Pasteur, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng...
13. Bến Bạch Đằng: Nếu Hà Nội có Hồ Gươm thì ở Sài Gòn, bến Bạch Đằng là điểm đến lý tưởng cả ngày cho người dân Sài Gòn. Buổi sáng bến Bạch Đằng là nơi tập thể dục, đến chiều tối nơi này tập trung rất nhiều người đến hóng giờ mát từ sông Sài Gòn. Nơi đây cũng có nhiều điểm ăn uống trên thuyền hấp dẫn, bạn vừa có thể thưởng thức bữa tối trên thuyền vừa đi ngắm khung cảnh Sài Gòn lung linh về đêm. Kem Bạch Đằng nằm trong khu vực này cũng là một trong những món ăn nổi tiếng nhất định phải thưởng thức khi đến Sài Gòn.
14. Sài Gòn náo nhiệt, ồn ã. Sài Gòn đông đúc, ồn ã, gần như chẳng lúc nào ngơi nghỉ và có lẽ chỉ khoảng trời gần sáng là lúc Sài Gòn “chợp mắt”. Rất nhiều người không ưa nổi bầu không khí đường phố đông đúc xe cộ, hàng quán tấp nập, chợ búa náo nhiệt đầy âm thanh ở Sài Gòn. Thế nhưng khi đi xa, nhiều người lại nhớ sự náo nhiệt ấy đến da diết.
15. Sài Gòn có nhiều tụ điểm vui chơi. Không nơi đâu mà sự vui chơi, giải trí lại dễ dàng và thuận tiện như Sài Gòn khi nơi này hội tụ đủ các loại hình văn hóa nghệ thuật: kịch, bar, club rạp chiếu phim, các liveshow ca nhạc trong nước và quốc tế...
16. Nơi tiếp nhận những trào lưu từ thế giới. Những trào lưu du nhập từ thế giới thường bắt đầu từ Sài Gòn thông qua giới trẻ như trượt ván skateboard, xe đạp không phanh, breakdance, Vlog, trà chiều kiểu Anh...
17. Hẻm Sài Gòn: Nếu Hà Nội có 36 phố phường thì Sài Gòn đặc trưng là có hàng nghìn con hẻm chằng chịt như ma trận nằm rải rác tất cả các quận trong thành phố. Hẻm là nơi sinh sống, nơi làm việc cũng là nơi thư giãn, vui chơi của biết bao người dân Sài Gòn. Bước chân vào hẻm người ta như bỏ bên ngoài những âm thanh xô bồ, hối hả của cuộc sống thường nhật, con người sống từ tốn, chậm rãi hơn.
18. Hội tụ nhiều kiến trúc: Đến Sài Gòn bạn cũng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều kiến trúc độc đáo thông qua các công trình nổi tiếng. Nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Chợ Quán… với phong cách Gothic pha Roman là chủ đạo trong việc sử dụng các cung tròn trên các cửa sổ, cửa đi...Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố, Bảo tàng TP.HCM, bưu điện, tòa án… với phong cách Phục hưng cân đối và giàu nhịp điệu trong sử dụng các thức cột Hy-La. Ở khu vực chợ Lớn (Triệu Quang Phục và Hải Thượng Lãn Ông, Q.5) có kiến trúc pha trộn giữa hai phong cách Hoa-Pháp. Hay ở khu vực đường Hồ Tùng Mậu, Q.1 người ta còn có thể thấy sự đa dạng hơn với những kiểu pha tạp giữa các yếu tố Việt - Hoa - Ấn - Hồi - Pháp trên các dãy phố này.
19. Tòa nhà cao nhất Việt Nam: Lấy cảm hứng từ biểu tượng hoa Sen, Bitexco Financial Tower được thiết kế và xây dựng để trở thành toà nhà cao nhất VN hiện nay. Bên trong tòa nhà này có hẳn một tầng dùng để cho du khách đến tham quan và ngắm Sài Gòn từ trên cao. Bitexco từng lọt top 5 trong danh sách 20 tòa tháp chọc trời ấn tượng nhất thế giới do Kênh Văn hóa Du lịch CNNGo của hãng tin CNN bình chọn.
20. Hầm Thủ Thiêm: Đường hầm sông Sài Gòn (hay còn gọi là Hầm Thủ Thiêm) là một đường hầm vượt qua sông Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Đây là một phần trong dự án Đại lộ Đông Tây nối Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
21. Cầu Phú Mỹ: Có 6 làn xe, kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nối Quận 7 với Quận 2 và Quận 9.Cầu Phú Mỹ không chỉ là một công trình trọng điểm của Việt Nam, mà còn là công trình cầu dây văng hiện đại nhất thế giới với kỹ thuật dây văng, trên thế giới chỉ có vài cây cầu như thế.
22. Thời tiết ôn hòa: Không có 4 mùa nhưng thời tiết ở Sài Gòn rất ôn hòa. Không quá nóng, không quá lạnh, Sài Gòn chỉ có những cơn mưa rào bất chợt đến rồi đi trong chốc lát. Thời tiết ở Sài Gòn cũng luôn khiến con người cảm thấy thích làm việc hơn ở bất kỳ nơi nào khác.
23. Phố người Hoa: Người Hoa có mặt khắp nơi trên đất nước Việt Nam, nhưng đông đảo nhất là ở khu Chợ Lớn, Sài Gòn. Nơi đây được rất nhiều người gọi đến với biệt danh là khu China Town với nhiều nét văn hóa, sinh hoạt, đặc sắc của người Hoa như: khu ẩm thực người Hoa, những ngôi chùa người Hoa nổi tiếng (chùa Bà, chùa Ông, chùa Ông Bổn), Tết nguyên tiêu, các đoàn lân sư rồng…
24. Phố Tây, phố Nhật, phố Hàn: Sài Gòn cũng là điểm đến sinh sống và du lịch của nhiều người nước ngoài. Nếu như phố Tây, ở đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám là nơi lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch, thì ở phố Nhật trên đường Lê Thánh Tôn là nơi tụ tập có nhiều cửa hàng, thương hiệu Nhật Bản. Ngoài ra, người Hàn Quốc cũng sinh sống khá nhiều ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
25. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng: Dự định của các nhà đầu tư nước ngoài là biến khu đầm lầy thành một khu đô thị đa chức năng kiểu mẫu, là một trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, khoa học, văn hóa, giáo dục, cư trú, giải trí… tạo động lực cho sự phát triển phía Nam và Đông Nam thành phố.
26. Phố đèn lồng mùa Trung thu: Phố lồng đèn đã trở thành hình ảnh quen thuộcngười Sài Gòn vào mỗi dịp Trung Thu. Cứ đến rằm tháng Tám là khu đèn lồng Lương Nhữ Học lại khoác áo mới nhờ cả trăm chiếc lồng đèn lung linh màu sắc được các gia đình mang ra bày bán.
27. Phố thuốc Bắc: Dọc các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông – Triệu Quang Phục – Lương Nhữ Học, hàng trăm cửa hiệu với vô số loại thảo dược tỏa mùi hương thơm lừng. Đây được xem là trung tâm thương mại thuốc Bắc lớn nhất Sài Gòn và cũng là điểm đến của nhiều khách du lịch.
28. Khu xóm đạo mùa Giáng sinh: Những khu xóm đạo được trang trí lộng lẫy, rực rỡ mùa Giáng sinh là một điểm đặc trưng riêng biệt ở Sài Gòn
29. Thành phố không ngủ: Sài Gòn được mệnh danh là thành phố không ngủ. Có những con đường nhưBùi Viện,Phạm Ngũ Lão, cả khách du lịch nước ngoài, trong nước và dân bản xứ có thể tụ lại để giao lưu thâu đêm suốt sáng. Đó là những con phố luôn sáng đèn. Những quán bar, quán pub, quán bia tươi lề đường hay những quán cà phê trang trí đẹp mà giá cả phải chăng rất nhiều, thỏa mãn nhu cầu tám chuyện và cả chụp hình của giới trẻ.Sài Gòncó nhiều quán ăn đêm, những cửa hàng 24h có thể phục vụ người đi đường bất kể lúc nào với đủ mọi mặt hàng, đồ ăn, thức uống, thuốc thang, v..v..v...
30. Đường phố trang hoàng lộng lẫy vào dịp lễ Tết: Vào những dịp cuối năm như Tết Dương Lịch hoặc Tết Âm Lịch, Sài Gòn liền trở nên lung linh và rực rỡ hơn bao giờ hết. Từng hàng cây, cột đèn ven các trục đường chính của Sài Gòn cũng được trang hoàng vô cùng lộng lẫy. Đến cả những tòa nhà nổi tiếng, hoặc các khu trung tâm thương mại, khách sạn cũng thắp sáng như những chiếc đèn lồng khổng lồ. Tất cả tạo nên một mối dây vô hình, kéo chặt trái tim những người xa lạ lại, cùng hướng về những ý niệm ấm áp, thân tình của ngày lễ Tết.
31. Đường hoa: Hơn 10 năm qua, đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành một nét đẹp ngày xuân của người Sài Gòn. Đường hoa là nơi đại đa số người dân Sài Gòn đều ghé thăm mỗi dịp Tết đến, là nơi họ tận mắt xem những tác phẩm nghệ thuật được xếp, dàn dựng công phu từ hàng trăm loại hoa khác nhau ở khắp các tỉnh thành mang về.
32. Nhịp sống Sài Gòn về đêm: Về đêm Sài Gòn trở nên mát mẻ và cảnh quan lung linh bởi những ánh đèn. Cuộc sống bớt ngột ngạt nhưng lại mang dáng dấp của sự náo nhiệt, dòng người thanh thản trên những con phố hay rộn rã trong các hàng quán cà phê. Sài Gòn về đêm trở nên quyến rũ và huyền ảo hơn bởi những ánh đèm lung linh, rực rỡ được thắp sáng.
33. Giao thông Sài Gòn: Không phải lúc nào và bất cứ ai ở Sài Gòn cũng chấp hành giao thông tốt, nhưng so với nhiều địa phương khác trong cả nước, giao thông ở Sài Gòn cho bạn cảm giác an tâm nhiều hơn so với giao thông ở vùng ven, quốc lộ, tỉnh lộ. Giao thông ở Sài Gòn có phân làn, vòng xoay, hệ thống tín hiệu đèn giao thông đầy đủ và đa phần mọi người đều có văn hóa giao thông. Giờ tan tầm ở Sài Gòn có thể có kẹt xe, nhưng không có người say xỉn, lạng lách trong khi điều này ở nông thôn thì chiều nào cũng có người say rượu, chạy xe không theo làn, qua đường rất bất chấp.
34. Không cảm thấy cô đơn: Sài Gòn đông người nên không bao giờ thấy cô đơn. Dù đi giữa dòng người xa lạ, nhưng đông đúc, mỗi người mỗi vẻ sẽ có tác dụng gây chú ý, khiến bạn phân tâm khỏi mớ lo nghĩ, cô đơn. Dù không ai nói với ai lời nào, mạnh ai nấy bước nhưng bạn luôn thấy có ai đó bên cạnh mình và không lẻ loi. Bạn có thể hòa vào đám đông khi chạy xe trên đường, đi bộ ở công viên, đi dạo trên vỉa hè, khu mua sắm…
35. Bạn không bao giờ chết vì đói. Ở Sài Gòn, có thể bạn không giàu có nhưng chắc chắn bạn sẽ kiếm được công việc nào đó để làm. Cũng vì thế mà SG tồn tại nhiều nghề, việc mới mẻ mà ở nơi khác không có. Người Sài Gòn vì thế mà cũng rất linh hoạt và giỏi giang trong việc mưu sinh.
36. Nhiều cơ hội nghề nghiệp. Sinh viên có nhiều ngành nghề để lựa chọn và cơ hội làm việc tại Sài Gòn cũng phong phú. Môi trường làm việc tại Sài Gòn cũng chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện, khiến nhiều bạn trẻ từ các tỉnh khác rủ nhau đến Sài Gòn lập nghiệp.
37. Sài Gòn bao dung: Không có khái niệm người Sài gòn gốc vì Sài Gòn là nơi người dân từ nhiều nơi tụ hội về học tập, làm việc. Do vậy hầu như không có sự phân biệt vùng miền ở Sài Gòn nên người sống ở Sài Gòn thường thân thiện, dễ gần.
38. Những “kỳ nhân” ở Sài Gòn: Người viết thư tình ở nhà thờ Đức Bà, người vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn, bà cụ bán xôi ở chợ Bến Thành, cặp vợ chồng bán cà phê vợt 60 năm không nghỉ ở Q. Phú Nhuận… là những nhân vật gắn bó với đời sống Sài Gòn suốt bao năm tháng và là “nhân chứng” lịch sử chứng kiến sự đổi thay của thành phố.
39. Người trẻ sáng tạo: Ở Sài Gòn có nhiều khu vực để người trẻ thỏa sức sáng tạo như con hẻm Graffiti trên đường Lê Thánh Tôn, Nhà ga 3A (Q.1),Saigon Outcast(khu Thảo Điền, Q.2)
40.Cảm giác đủ đầy: Cuộc sống ở Sài Gòn khá đầy đủ và tiện nghi. Bạn có thể tìm thấy bất kỳ điều gì ở Sài Gòn, từ quyển sách, đến địa điểm vui chơi hay những khóa học, chỉ cần tra Google là sẽ tìm được ngay.
Theo Lê Minh / Trí Thức Trẻ
http://afamily.vn/doi-song/40-dieu-khien-ban-yeu-sai-gon-20150331012437615.chn
Theo Lê Minh / Trí Thức Trẻ
http://afamily.vn/doi-song/40-dieu-khien-ban-yeu-sai-gon-20150331012437615.chn
No comments:
Post a Comment