Khi còn là một đứa trẻ, con trai tôi bị cuốn hút bởi những chiếc máy rửa xe không cần chổi và đã cải trang thành một cái máy rửa xe 2 mùa Halloween liên tiếp.
Con gái lớn của tôi muốn trở thành một giáo viên, và cô con gái nhỏ đã quyết định theo đuổi nghệ thuật cho tới giờ. Đối với tôi, ước mơ liên quan đến 'thuốc thang', mặc dù thật ra đó không hẳn là mơ ước.
Mẹ tôi đã tặng tôi một chiếc kính hiển vi cho ngày sinh nhật lần thứ 10 của tôi, một bộ dụng cụ hóa học cho sinh nhật thứ 11 và, cho lần thứ 12, một cuốn sách về 100 trường y tế hàng đầu tại Hoa Kỳ. Bà bảo tôi nên xem xét một cách nghiêm túc về trường Columbia.
Tôi đã khiến mẹ thất vọng. Tôi không phải là một bác sĩ, hoặc ít nhất không phải là một bác sĩ y khoa. Ở tuổi 24, ra trường được vài năm, tôi bỏ công việc lập trình máy tính của mình và bắt đầu thành lập một công ty. Đó không phải là một kế hoạch tỉ mỉ từ trước. Chỉ đơn giản là tôi thích ý tưởng đó và cảm thấy mình sẽ lãng phí thời gian nếu không bắt tay vào làm ngay.
Tuy nhiên, có vẻ như bây giờ không giống như trước đây nữa, ta không muốn con cái mơ ước trở thành bác sĩ hoặc nghệ sĩ. Ta muốn chúng làm chủ các doanh nghiệp. Có phải vì cha mẹ đang cố áp đặt niềm mơ ước không thành của họ lên con cái? Hay đây chỉ đơn giản là do sự khôn ngoan và kinh nghiệm?
Có lẽ giá trị của chúng ta đã chuyển hướng và bây giờ ta đi lãng mạn hóa các doanh nhân. Ta xem phim và đọc sách về sự ra đời của Facebook và cuộc sống của Steve Job. Các Startups xuất hiện trên TV đều đều. Các trường đại học lớn còn bổ sung 'entrepreneurship' (khởi nghiệp) trong chương trình giảng dạy của họ. Đại học Stanford thậm chí còn có một trung tâm dạy kinh doanh có hỗ trợ nhân viên và giảng viên.
Thật ra tôi là một doanh nhân. Từ bỏ công việc kỹ thuật của tôi cách đây 23 năm, tôi đã quay sang điều hành doanh nghiệp tôi đồng sáng lập. Phần nhiều thì tôi mãn nguyện về nó, nhưng tôi không chắc chắn rằng sẽ muốn khuyến khích ai làm điều tương tự. Đó là công việc khó khăn và phải hy sinh cá nhân rất nhiều, và chung quy lại thì thành công chỉ rơi vào số ít may mắn.
Nghiên cứu của Economist ủng hộ quan điểm này. Trong bài viết Schumpeter gần đây (2014/09/27 Schumpeter: Doanh nhân vô danh | The Economist), chúng ta đọc thấy"các nhà khởi nghiệp có những lo toan tài chính của một con bạc và đời sống xã hội của một kẻ gàn dở."
Schumpeter tiếp tục:
Phil Libin, ông chủ của Evernote, một dịch vụ tài liệu lưu trữ, nói rằng "Thật quá khó khăn khi công việc của bạn không thể cân bằng được cuộc sống, bạn không có thời gian cho gia đình, và bạn sẽ không bao giờ làm việc gì khó khăn hơn trong đời."
Aaron Levie, người sáng lập của Box, một công ty điện toán đám mây lưu trữ, cho biết ông đã dành 2 năm rưỡi ngủ trên một tấm nệm trong văn phòng của mình, sống nhờ spaghetti hộp và mì ăn liền. Vivek Wadhwa, một doanh nhân khác, từng gặp phải một cơn đau tim khi ông vừa tới 45 tuổi, sau khi tham gia một công ty đại chúng và vực dậy một công ty khác.
Tôi sẽ thêm câu chuyện của riêng mình vào danh sách này, và nhớ lại hành trình giới thiệu công ty đại chúng của tôi (ba tuần, hai mươi thành phố) một vài ngày sau khi cha tôi qua đời. Chúng tôi đã mua một công ty khác song song với việc chào bán. Và theo Schumpeter, "hơn một nửa startup của Mỹ thất bại trong vòng năm năm. Hầu hết những công ty sống sót cũng không tránh khỏi vấp ngã."
Mặc dù sự thật có khắc nghiệt và thực tế như vậy, như các bậc phụ huynh thì vẫn cứ mơ ước. Họ thường xuyên liên lạc với tôi về việc thực tập cho con cái của họ trong startup của tôi, Smule. Họ muốn con cái làm quen với kinh doanh trong thời gian trước khi chúng bắt đầu học đại học và trung thành với các ngành học truyền thống hơn, như y học.
Một người bạn cách đây vài năm đã nói với tôi rằng ông đã thất vọng khi sắp bước vào tuổi ba mươi rồi mà vẫn chưa thành lập nổi một công ty nào. Hãy tưởng tượng cuộc phỏng vấn giả định với ông kỹ sư trung niên khi hỏi về tầm nhìn của công ty, và nghe lời đáp lại từ người đồng sáng lập rằng, “à, tôi đã gần ba mươi lăm tuổi rồi nên tôi cảm thấy mình cần phải bắt đầu một cái gì đó."
Tại sao lại cố gắng dạy kinh doanh ở trường đại học?
Chính xác thì ai có thể dạy nó một cách nghiêm túc chứ? Làm thế nào bạn có thể mô phỏng và hệ thống hóa vô số những kinh nghiệm, các tình huống và các mô hình? Tôi thấy thật vô nghĩa, và đã nói như vậy trong một buổi được mời giảng về kinh doanh tại Đại học Stanford.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Bill Gates, Steve Jobs và Larry Ellison tham gia những lớp học kiểu đó? Trớ trêu thay, là cả ba đều bỏ học.
Vài người sẽ nói rằng tài năng là không thể dạy được, nó không phụ thuộc vào cách giáo dục. Có thể là đúng. Nhưng hãy nhìn Beethoven xem. Ông đã được giảng dạy và nghiên cứu âm nhạc từ khi còn nhỏ. Nếu bạn xem xét kỹ lưỡng những tác phẩm đầu của ông, bạn sẽ thấy Mozart và Haydn và cả sự kính trọng tới Bạch - đối âm, dẫn điệu, ngôn ngữ hài hòa, đều là sản phẩm của một trường học âm nhạc phương Tây vài thế kỷ trước.
Những đổi mới thực sự của Beethoven sau này mới xuất hiện, khi ông cố chống lại cách mình được "giáo dục", những quy tắc của lý thuyết âm điệu, và khám phá những ranh giới của những điều có thể trong những giới hạn. Ngược lại, một doanh nhân điển hình đột phá sớm qua đổi mới, và chỉ sau đó, nếu thành công, tiếp nhận nhiều kinh nghiệm chính thống như các tiêu chuẩn trong lý thuyết tổ chức, tiếp thị, phát triển sản phẩm và tài chính.
Những điều trên là để chỉ ra rằng quỹ đạo của các nghệ sĩ/thiên tài thường bắt đầu với giáo dục và sau đó xây dựng theo hướng đổi mới, trong khi đối với các doanh nhân quỹ đạo này được đảo ngược - sự đổi mới đến trước. Người cố vấn của tôi ở công ty cũ, David Marquardt, đối tác ở August Capital và nhà đầu tư giai đoạn đầu của Microsoft, trong số các công ty khác, tin rằng "các doanh nhân thường bừng nở sớm".
Vậy nên tại sao ta cứ cố ép buộc để hình thành nên một doanh nhân?
Có lẽ thay vào đó, với tư cách xã hội, chúng ta nên quên việc cho trẻ em nếm mùi vị kinh doanh đi và để chúng dành mùa hè đi câu cá và leo núi. Khi vào được đại học, chúng có thể học tiếng Anh, toán, hoặc thậm chí thư pháp.
Và nếu trên đường đi chúng quyết định mình phải bắt đầu một cái gì đó, thì đó là lúc chúng đã sẵn sàng.
Nguồn: http://cafebiz.vn/life-style/hay-de-con-tre-di-cau-ca-leo-nui-thay-vi-bat-chung-tro-thanh-doanh-nhan-2015043000373338.chn
No comments:
Post a Comment